Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử UBND Xã Trà Dơn

Chi tiết tin

Người Xê Đăng trồng rừng

Những năm gần đây, nhiều ngôi làng khang trang được mệnh danh như phố giữa đại ngàn xuất hiện ngày càng nhiều trên huyện vùng cao Nam Trà My. Ở đó, người Xê Đăng đang dần hòa nhập vào dòng chảy thời gian như một tất yếu của tạo hóa. Để có được cuộc sống như hôm nay, mỗi người trong số họ đã không ngừng cố gắng, chăm chỉ lao động, và hơn hết là giữ được nguồn cội của rừng.



Giữ rừng, giữ sâm

Trong diễn trình xuôi theo thời cuộc, cây sâm Ngọc Linh đã trở thành một phần tâm thức, là niềm tự hào của người Xê Đăng nói riêng và đồng bào vùng cao Nam Trà My nói chung. Loài dược liệu vốn chỉ sống được ở những vùng rừng âm u trên ngọn núi Ngọc Linh lạnh lẽo đã thức tỉnh con người về giá trị của rừng, về quy luật “cho và nhận”.

Theo chân ông Nguyễn Văn Lượng (thôn 2, xã Trà Linh) từ lúc tờ mờ sáng, khi sương sớm còn giăng kín các ngõ ngách của núi rừng Ngọc Linh. Giữa hoang sơ và kỳ vĩ, đồi thông hơn 05 năm tuổi của người đàn ông Xê Đăng dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Với hơn 70 ngàn gốc thông xanh mướt, chiều cao trung bình khoảng 4 – 5m, cây lớn nhất có đường kính lên tới 15cm, đây là một trong rất nhiều khu rừng được gia đình dày công chăm sóc.

Ông Lượng chia sẻ, bản thân luôn đau đáu chuyện giữ rừng, vì vậy suốt mấy mươi năm bám núi trồng sâm, ông luôn dành thời gian để trồng lại rừng, vừa muốn có hình thức để bảo vệ rừng; vừa giữ môi trường để cây sâm được phát triển. “Mỗi năm tôi trồng từ 1000 đến 2000 cây là ít nhất, chỗ nào trống thì mình trồng hết. Mình chọn cây nào hợp với sâm, cây có lá nhiều, có nước để giữ độ ẩm” – Ông Lượng nói.

Người Xê Đăng sống trên núi Ngọc Linh quan niệm, trồng rừng không chỉ để giữ núi, mà trồng rừng còn là để bảo vệ những vườn sâm quý. Đối với ông Nguyễn Văn Lượng và đồng bào của mình, rừng thực sự rất cần, và rất quý, vì đời sống của đồng bào là phải gắn bó với rừng. Ngót 30 năm bám núi trồng sâm cũng là quãng thời gian ông tự tay mình gieo mầm cho những linh hồn của vùng núi thiêng, và cũng là bảo vệ sự sống của đồng bào.

“Mình phải làm gương mẫu, trồng rừng không phải để khai thác, trồng để sau này con thấy đây là cây ông cha trồng, tuyệt đối đừng khai thác, không lấy làm gỗ để làm nhà” – ông Lượng trải lòng.

Mang theo cội rừng

Tại xã Trà Mai, xã trung tâm của huyện Nam Trà My, có một hộ gia đình người Xê Đăng ở Trà Linh dọn về định cư đã được mấy năm nay. Với tâm niệm: người Xê Đăng đi đâu cũng cần phải có rừng, từ nguồn thu từ việc trồng Sâm Ngọc Linh, vợ chồng ông Hồ Văn Bông mạnh dạn đầu tư hơn hai trăm triệu đồng mua thêm mấy vạc rẫy để trồng cây ngay tại xã Trà Mai.  

Từ những vạc đồi trơ trọi sỏi đá, gia đình ông Bông đã cải tạo thành những cánh rừng sao đen hơn 3 năm tuổi, bên cạnh đó, ông còn trồng xen canh các loại cây ăn trái khác như mít, xoài, cam, bưởi… Đối với ông, rừng mới chính là nơi đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai con cháu. Hơn nữa, trước thực trạng thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt do bàn tay hủy hoại rừng của con người; nhất là sau khi phải chứng kiến cảnh thiên tai chồng chất trên quê hương, ông Bông lại càng tự tin hơn với quyết định của mình.

“Vì rừng bị phá nhiều nên sạt lở đất nhiều. Mình có đất thì năm nào mình cũng trồng cây lâu năm, trồng rừng để bảo vệ môi trường tự nhiên, chống sạt lở đất”. – ông Bông tâm sự.

Những người như ông Lượng, Ông Bông giờ đây… không còn nhớ mình đã trồng được bao nhiêu cây, phủ xanh được bao nhiêu núi, vì trong họ chỉ có trái tim luôn đập để giữ cho mạch sống của rừng được trường tồn mãi mãi.

Phát huy tinh thần người Xê Đăng

Toàn lâm phận Nam Trà My hiện có hơn 54 nghìn ha rừng, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ chính sách khoán bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế đang được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, huyện Nam Trà My cũng được giao chỉ tiêu trồng 3,85 triệu cây xanh theo chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc. Do đó, sự nhập cuộc của đông đảo đồng bào người Xê Đăng trong việc tái sinh rừng được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng diện tích rừng trên địa bàn huyện vùng cao.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Hiền - PGĐ Phụ trách BQL Rừng phòng hộ huyện Nam Trà My, việc trồng cây tại vườn nhà của các hộ gia đình là mô hình rất dễ vận động; toàn thể nhân dân đều trồng được vì nó dễ trồng, và cũng dễ sử dụng sau này. Việc quản lý, chăm sóc cây do người dân trực tiếp tham gia.

“Trên tinh thần của người Xê Đăng, năm 2020 huyện Nam Trà My đã triển khai mô hình trồng cây phân tán với số lượng cây là 62.708 cây, loại cây trồng là cây dỗi xanh và vận động cho 168 hộ trên địa bàn 9 xã, trong đó có 19 thôn hiện đã trồng với tổng số 62.708 cây, hiện nay đều sinh trưởng và phát triển rất tốt” – ông Hiền cho hay.

Tác giả: Phú Thiện - Văn Thọ

Nguồn tin: Trung tâm VHTT&TTTH huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ DƠN - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Dơn - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)